Thuật ngữ viễn thông cần được dùng thống nhất theo khái niệm

Cùng một khái niệm vật lý, nếu mỗi nhà khoa học đặt một tên gọi riêng theo ý thích của mình thì rồi tình hình sẽ ra sao? Suốt 45 năm qua, Tạp chí Bưu chính Viễn thông và Công nghệ Thông tin luôn luôn chủ trương Việt hoá các thuật ngữ trong lĩnh vực viễn thông và làm cầu nối để các tác giả và độc giả cùng thống nhất sử dụng các thuật ngữ tương ứng với các khái niệm khoa học. Trong chuyên mục mới này Tạp chí muốn tâm sự với các tác giả trẻ, các độc giả, các biên tập viên… cùng thống nhất sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành và phổ biến chúng ra xã hội, góp phần vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tạp chí kêu gọi các nhà chuyên môn, đặc biệt là các vị tiền bối, tham gia viết bài cho chuyên mục này.

TS. Đỗ Kim Bằng

KS. Nguyễn Thanh Việt

Line-of-Sight (LOS): Tầm nhìn thẳng , Trực thị

Line-of-Sight (LOS) Propagation: Truyền trực thị, truyền theo tầm nhìn thẳng

Trong thông tin vô tuyến, một tình huống trong đó (tia) sóng điện từ truyền theo đường thẳng không bị vật cản che chắn giữa anten phát và anten thu. Truyền LOS đặc biệt quan trọng tại băng tần VHF và các tần số cao hơn. Hiểu nôm na là: máy thu và máy phát phải nhìn thấy nhau mà không bị che khuất (đối với tia sóng điện từ).

Trong tất cả các từ điển tiếng Anh, khái niệm này đều được định nghĩa đại loại như vậy. Ở nước ta, khái niệm này đã được biết đến từ rất lâu, đặc biệt trong vi ba mặt đất, và được thống nhất gọi là trực thị hoặc tầm nhìn thẳng. Phần lớn các Từ điển Anh - Việt về khoa học kỹ thuật (KHKT) đều dùng thuật ngữ này. Thế nhưng trong một cuốn Thuật ngữ Viễn thông Anh - Việt mới đây lại dùng thuật ngữ Truyền Trực tiếp để gọi khái niệm trên. Theo chúng tôi, từ trực tiếp ở đây là quá chung chung, không mô tả đúng khái niệm và gây lầm lẫn với các thuật ngữ có tính từ trực tiếp khác như truyền hình trực tiếp, truy nhập trực tiếp, kết nối trực tiếp v.v… Thí dụ, nó lẫn lộn với khái niệm Tia (sóng) Trực tiếp (Direct Ray) được định nghĩa ngay trong cuốn từ điển này: Tia Trực tiếp: Một tia bức xạ điện từ đi theo đường có thời gian truyền sóng ngắn nhất có thể có giữa anten phát và anten thu. (Chú ý: đường có thời gian truyền ngắn nhất không phải lúc nào cũng là đường có cự ly ngắn nhất). Nghĩa của từ trực tiếp ở đây khác hẳn với trực tiếp mà tác giả dùng cho LOS propagation nói trên.

Trong một bài viết khác, có tác giả lại gọi LOS Propagation là Truyền Trực tuyến. Trực tuyến được dịch từ thuật ngữ on-line hiện đang được sử dụng rộng rãi trong kỹ thuật máy tính. Có vô số các định nghĩa về trực tuyến (on-line) khác nhau, tuỳ theo lĩnh vực và tác giả, nhưng tổng quát nhất là: kết nối trực tiếp và có thể được truy nhập mọi lúc. Không một định nghĩa nào về trực tuyến ăn nhập với khái niệm LOS propagation.

Mới đây nhất, công nghệ WiMAX đang được thế giới nói đến nhiều, trong đó có phương thức LOS propagation và NLOS propagation. Có người dùng các thuật ngữ trực xạkhông trực xạ tương ứng. Trực xạ là phát xạ thẳng, không trực xạ là phát xạ không thẳng; thử hỏi có phát xạ (hay bức xạ) nào là không thẳng?

Như vậy, nên thống nhất sứ dụng Trực thị hoặc Tầm nhìn thẳng.

Access (danh từ): Truy nhập

Nghĩa thông dụng trong tiếng Anh, access là lối vào, đường vào, sự tiếp cận v.v… Trong kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin thuật ngữ access có vô số các định nghĩa khác nhau, thí dụ:

1. (Nghĩa chung): Điểm mà tại đó có được một lối vào một mạch hoặc một phương tiện

2 (Nghĩa Viễn thông): Khả năng đi vào hoặc thoát ra khỏi một mạng nội hạt để khởi tạo hoặc kết thúc một cuộc gọi quốc tế, đường dài hoặc liên LATA

3. (Nghĩa Máy tính): Nhập vào hệ thống hoặc mạng: a) để cất dữ liệu vào, lấy dữ liệu ra hoặc thông tin với hệ thống: b) để được sử dụng tài nguyên của hệ thống; c) Trong an toàn thông tin, là khả năng hoặc cơ hội để lấy được và sửa chữa thông tin tư liệu. v.v…

Ở Việt Nam, thuật ngữ truy nhập đã được dùng từ lâu và không biết ai là người dùng đầu tiên. Trong ngành Bưu điện hầu như đã thống nhất sử dụng thuật ngữ này. Tuy nhiên, ngoài xã hội, đặc biệt là Đài Truyền Hình Việt Nam, và một số cán bộ kỹ thuật trong Ngành Bưu điện lại dùng thuật ngữ truy cập hoặc tiếp nhập. Thực ra, truy cập hay truy nhập đều chưa có trong Từ điển tiếng Việt, chẳng qua chỉ là cách đặt tên cho một khái niệm. Chúng ta nên chỉ sử dụng thuật ngữ truy nhập./.

(Nguồn www.tapchibcvt.gov.vn) (Còn nữa)

____________________________________

>>Xem thêm các bài viết khác